Đền Du Lễ còn có tên gọi là đền Vũ Nguyên thuộc làng Du Lễ, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Đây là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố theo Quyết định số 177/QĐ-UB ngày 28/01/2005. Đền thờ người anh hùng Vũ Nguyên người bản xứ; bên cạnh đó còn phối thờ Tướng quân Phạm Tử Nghi, người làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương (nay thuộc quận Lê Chân) là một danh tướng triều Mạc thế kỷ thứ 16.
Theo Thần tích, Vũ Nguyên sinh trưởng trong một gia đình thanh bần tại Du Lễ - Tam Hưng. Thủa nhỏ, ông là một cậu bé ngoan ngoãn, hiếu thảo. Do cha mất sớm, mẹ lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật nên khi mới lớn nên ông đã phải đi làm thuê để kiếm tiền phụng dưỡng mẹ. Vũ Nguyên là người chịu khó học hành và tự mình luyện tập võ nghệ. Nhờ có sự chuyên cần, nỗ lực đến năm 21 tuổi ông đã trở thành một thanh niên có tài trí, sức khỏe hơn người.
Một hôm trong khi đang cày ruộng, thấy mọi người truyền tin có đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hành quân qua địa phận làng, bảo nhau tránh đường cho quan tướng đi qua, song chỉ có Vũ Nguyên vẫn điềm nhiên, chăm chú tiếp tục công việc của mình. Đoàn tùy tùng của Hưng Đạo vương thấy vậy đã tâu với Trần Hưng Đạo. Vương cho gọi Vũ Nguyên đến hỏi chuyện cớ sao không lẩn tránh quan binh như mọi người, ông mạch lạc thưa: “Bẩm việc hành quân là việc hệ trọng to lớn của triều đình, có khi tiếp diễn hàng tháng. Về phần tôi thì nghỉ làm ngày nào thì không có tiền nuôi mẹ già ngày ấy chứ hoàn toàn không có ý khác gì”. Vương khen ông là bậc hiếu tử, thưởng cho 02 lạng vàng để tiếp tục phụng dưỡng mẹ. Sau Vương được biết Vũ Nguyên là người thông thạo văn võ, khuyên ông nên tòng quân, đem tài trí phò vua giúp nước. Vũ Nguyên vốn lấy chữ hiếu làm đầu nên về nhà hỏi thăm tâm ý của mẹ, lại được mẹ rất mực tán thành, khuyến khích nên ông đã theo phò tá đức Hưng Đạo Vương đi đánh giặc.
Trong trận chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, Vũ Nguyên đã anh dũng, lập nhiều chiến công, đóng góp chung cho thắng lợi toàn cục, đập tan tham vọng bành trướng xuống phương Nam của đại quân Mông Cổ. Sau chiến thắng, ông được phong tước và nhận chiếu chỉ đưa quan quân về trấn ải vùng cửa biển Đông Bắc Tổ quốc. Đoàn quân đi đường thủy, tới cửa Nam Triệu gặp cơn táp bấc, thuyền đắm, người hóa cùng sông nước. Thi hài người trôi về nơi người sinh sống trước đây. Dân làng xót thương, đã sớ tấu về triều đình. Vua Trần Nhân Tông cho sứ mang sắc chỉ truyền dân bản xã lập đền thờ, bốn mùa hương khói.
Tương truyền, đền Du Lễ được khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII), trải qua nhiều biến cố lịch sử, đã được tu sửa, tôn tạo nhiều lần nên khối kiến trúc cũ hiện không còn. Toàn bộ kiến trúc hiện tại là kết quả của lần phục dựng vào năm 2001 theo kiểu chữ “Nhị”, gồm 5 gian Tiền đường, 3 gian Hậu cung, 02 tòa Giải vũ. Thủa trước, Thành hoàng Vũ Nguyên còn được thờ tại đình Du Lễ, ngôi đình được xây dựng vào thế kỷ thứ XV. Đây là một ngôi đình cổ 5 gian đồ sộ cùng thời với đình Phục Lễ; tuy nhiên ngôi đình đến nay không còn; các sắc phong, một số bia đá cổ và đồ thờ tự của đình cũ đã được nhân dân chuyển về thờ tại đền Du Lễ.
Hiện vật bằng giấy tại di tích đáng chú ý còn có 08 sắc phong cho 02 vị Vũ Nguyên và Phạm Tử Nghi. Trong đó, Thành hoàng Vũ Nguyên có các bản sắc vào năm Tự Đức thứ 6 (1853) sắc phong “Bản cảnh Thành hoàng”, năm Tự Đức thứ 11 (1858) sắc phong “Đương cảnh Thần hoàng Thổ chúa chi Thần” gia tặng “Tuấn Lương Chi Thần”, năm Tự Đức thứ 33 (1880) sắc phong “Bản cảnh Thành hoàng”, năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) sắc phong “Bản cảnh Thần hoàng”, năm Khải Định 9 (1924) sắc phong “Bản cảnh Thần hoàng Thổ chúa Vọng nguyên Tôn thần”; Phạm Tử Nghi có các bản sắc vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) và Khải Định thứ 9 (1924) sắc phong “Thuần chính Dực bảo Trung hưng chi Thần”; bản sắc vào năm Duy Tân thứ 3 (1909) sắc phong “Bản cảnh Thành hoàng Thổ chúa chi Thần” và “Thuần Chính Dực Bảo Trung hưng”. Đặc biệt, di tích hiện còn lưu giữ được Bản Thần tích về Thành hoàng Vũ Nguyên được sao vào năm Thành Thái thứ 7 (1895).
Đồ thờ tự đáng chú ý còn có chiếc Nhang án có niên đại đầu thế kỷ thứ XIX, một số bát hương, câu đối, đại tự niên đại đầu thế kỷ XX. Đặc biệt tại khuôn viên di tích còn có 03 tấm bia ký có niên đại các năm 1770 bia Tân tạo kiều quán; 02 tấm “Phối hậu bia ký” vào các năm 1798, 1857 góp phần khẳng định giá trị và truyền thống lịch sử của di tích, của địa phương.
Hằng năm, Đình mở hội vào ngày 15 tháng chạp và mùng 5 tháng giêng. Lễ hội thu hút được đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương, dự hội.
(Theo trang https://thanhdoanhaiphong.gov.vn/)